TÔM NHẬP KHẨU VÀO CHÂU ÂU ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ LÀ AN TOÀN CHO SỨC KHỎE
Theo nghiên cứu mới nhất từ các nhà khoa học thuộc Đại học Stirling, tôm nuôi nhập khẩu vào châu Âu đảm bảo an toàn cho tiêu thụ tương tự như các loại hải sản khác có mặt trên thị trường này.
Trang Sea Food Source cho hay, thông qua nguồn dữ liệu của Liên Minh Châu Âu (EU) để thực hiện các đánh giá rủi ro đối với các nguồn tôm nhập khẩu, các nhà nghiên cứu Dave Little và Richard Newton thuộc viện thủy sản Stirling cùng với các đồng nghiệp tại Đại Học Hải Dương Thượng Hải nhận thấy nguồn tôm nhập khẩu ngày càng trở nên an toàn hơn cho người tiêu dùng trong những năm gần đây.
“Tôm nhập khẩu vào EU có tiếng xấu tại một số cộng đồng người tiêu dùng vì có chất lượng thấp, và đôi khi điều này cũng được phản ánh trực tiếp trên các kênh báo chí truyền thống cũng như Internet.
Qua nhiều thập kỷ, kể từ khi tôm nuôi nhập khẩu xuất hiện lần đầu tiên trên thị trường, những câu chuyện tiêu cực về sự vi phạm môi trường và xã hội cũng được đưa ra, gồm các cáo buộc rằng tôm nuôi nhiệt đới được nuôi trong nước ô nhiễm và được xử lý với một lượng lớn hóa chất, có thể gây hại cho sức khỏe con người”, ông Newton chia sẻ.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện đánh giá rủi ro trên những nguồn tôm nhập khẩu, qua đó cho phép họ tính lượng trung bình một người trưởng thành cần tiêu thụ để vượt qua lượng tiêu thụ hàng ngày (ADI) cho bất kỳ chất cụ thể nào.
Ông Newton và các đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu của 18 năm từ Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm của EU (RASFF), gồm thông tin về thực phẩm và thức ăn nhập khẩu đã bị phát hiện có chứa lượng các chất bị cấm quá mức, rồi sau đó loại bỏ chúng khỏi thị trường.
Dựa trên thông tin trong cơ sở dữ liệu RASFF trong giai đoạn 1998 – 2015, nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng sẽ cần ăn hơn 300g tôm mỗi ngày để vượt qua ADI cho kháng sinh, ông Newton giải thích.
Nghiên cứu cũng chỉ ra những thiếu sót trong hệ thống RASFF trong quá trình xác định ADI, với các nhà khoa học kết luận rằng – trong thực tế – ADI có khả năng cao hơn nhiều so với 300g được tính toán vì cơ sở dữ liệu RASFF chỉ chứa thông tin về các nguồn tôm bị ô nhiễm chứ không phải các nguồn cung cấp đang có sẵn cho người tiêu dùng.
“Điều này nghĩa là tôm nuôi nhập khẩu không kém an toàn hơn bất kỳ sản phẩm thủy sản nào khác”.
Trong vòng 18 năm vừa qua, số lượng cảnh báo đã giảm đáng kể mặc dù nguồn tôm nhập khẩu tăng cao, điều này cho thấy rằng tôm nhập khẩu đã trở nên an toàn hơn đối với người tiêu dùng vì các nước xuất khẩu đã tuân thủ các yêu cầu về an toàn nhập khẩu một cách hiệu quả.
Nghiên cứu cũng cho thấy con số đạt đỉnh điểm vào năm 2002 với số lượng lớn nguồn hàng bị phát hiện nhiễm khuẩn. Các nhà nghiên cứu đã so sánh dữ liệu RASFF với thông tin trên các kênh báo chính thống và nhận thấy rằng con số này tương quan với con số cảnh bảo, và hiện tại con số này chỉ còn là một phần nhỏ của con số vào năm 2002.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện thông tin trên các phương tiện internet lại tiếp tục có dấu hiệu tiêu cực vì dựa vào các thực tiễn gần như chấm dứt và không phản ánh các cải thiện trong ngành.
Họ lưu ý, nhiều trang web quảng bá việc tiêu thụ hàng nội địa, các thực phẩm đánh bắt trong tự nhiên bất chấp một số chứng cứ cho thấy tôm đánh bắt tự nhiên có thể bị nhiễm độc bởi nhiễm các chất độc hại, và ảnh hưởng tới vấn đề đạo đức và môi trường.
Nghiên cứu kết luận, đã xác định các tiêu chuẩn và phạm vi cần cải tiến hệ thống RASFF để cải thiện hơn các đánh giá rủi ro trong tiêu thụ thực phẩm và nhấn mạnh về nhu cầu cần thiết của một quy trình kiểm tra tiêu chuẩn tại các quốc gia Châu Âu cũng như đơn vị trung gian.
Cẩm Tiên
Theo Kinh tế & Tiêu dùng