TỔ CHỨC THÚ Y THẾ GIỚI: DỊCH TẢ HEO CHÂU PHI ĐÃ TIẾN SÁT TỚI BIÊN GIỚI VIỆT NAM
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh dịch tả heo Châu Phi ở Trung Quốc đã tiến sát tới biên giới Việt Nam và chỉ còn cách các tỉnh vùng Tây Bắc khoảng 150 km. Nguy cơ ASF xâm nhập vào Việt Nam xâm nhiễm vào Việt Nam ngày một cao.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị phòng, chống dịch tả heo Châu Phi các tỉnh phía Nam, do Cục Thú y tổ chức tại TP HCM ngày 29/11.
Sẽ tập diễn tập kịch bản đối với với dịch tả heo châu Phi
Theo đưa tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam hiện chưa phát hiện heo bị dịch tả châu Phi (ASF).
Tuy nhiên, sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên tháng 8/2018 đến nay tốc độ bùng phát dịch bệnh này tại Trung Quốc rất nhanh, gây áp lực lớn lên công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam với qui mô đàn heo hiện có 37 triệu con.
Ngày 5/12, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai để diễn tập kịch bản đối phó với tình huấn dịch tả châu Phi xảy ra tại Việt Nam với sự tham gia của hầu hết cơ quan liên quan, tỉnh thành chăn nuôi trọng điểm cả nước, đại diện Bộ cho biết.
19 nước báo cáo có dịch tả heo châu Phi
Theo TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y), thông tin mới nhất của OIE cho thấy, tính từ năm 2017 đến ngày 25/11, đã có 19 quốc gia báo cáo có dịch tả heo Châu Phi (ASF), gồm Bỉ, Bulgaria, CH Chad, Trung Quốc, Cote D’Ivoire, CH Séc, Estonia, Hungary, Kenya, Latvia, Litva, Moldova, Nigieria, Ba Lan, Romania, Nga, Nam Phi, Ukraina và Zambia.
Tổng số heo bị bệnh là trên 374 nghìn con. Số heo chết vì bệnh trên 124 nghìn con. Tổng đàn heo có nguy cơ, buộc phải tiêu hủy là trên 859 nghìn con.
Tại Trung Quốc, tính từ đầu tháng 8 đến ngày 25/11, đã phát hiện 81 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố. Đã có trên 570 nghìn con heo ở Trung Quốc bị tiêu hủy.
Theo ông Long, dù phòng chống gắt gao nhưng ASF tại Trung Quốc vẫn lan nhanh, chủ yếu do người dân vội bán heo từ vùng dịch sang vùng khác, người đi từ vùng dịch ra không được tiêu độc khử trùng nên mang theo mầm bệnh phát tán.
“Nếu dịch xuất hiện các địa phương tiêu hủy trong 24 giờ sau khi có kết quả xét nghiệm, thậm chí không xét nghiệm nếu tình hình phức tạp. Khoanh vùng dịch từ 3 – 10 km không cho vận chuyển, vệ sinh tiêu độc khử trùng nghiêm ngặt”, ông Long cho hay.
Điều đáng lo ngại nhất là ASF ở Trung Quốc đã tiến rất sát tới biên giới Việt Nam. Cụ thể, ổ dịch tại Simao thuộc TP Phổ Nhĩ (Vân Nam) chỉ cách biên giới giáp các tỉnh Tây Bắc khoảng 150 km. Do đó, nguy cơ ASF xâm nhập vào Việt Nam xâm nhiễm vào Việt Nam ngày một cao.
Trong khi đó, hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, sản phẩm của heo nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc, vẫn đang xảy ra.
Từ tháng 8 đến nay, các địa phương đã bắt giữ, xử lý 63 vụ, tiêu hủy 324 con heo các loại và 16.814kg các loại sản phẩm của heo được vận chuyển trái phép hoặc không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, nhất là cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt heo, kể cả các sản phẩm thịt heo đã qua chế biến chín, cũng có thể đưa virus ASF vào Việt Nam.
Ở Trung Quốc, để ứng phó với ASF, Chính phủ nước này đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp mạnh như: Tiêu hủy toàn bộ heo trong vùng dịch và nâng mức đền bù từ 115 USD/con lên 175 USD/con (từ 13/9/2018), không phân biệt heo lớn, heo nhỏ; đóng cửa các chợ lớn sống ở các tỉnh có dịch; cấm vận chuyển heo sống và thịt heo ở các tỉnh có dịch.
Chính phủ Trung Quốc thiết lập vùng dịch bán kính 3km và vùng đệm 10k m xung quanh vùng dịch; cấm cho heo ăn thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt bảo đảm tiêu diệt mầm bệnh.
Tuy nhiên, dù đã áp dụng những biện pháp mạnh như trên, nhưng nguy cơ bùng phát những ổ dịch mới ở Trung Quốc vẫn rất lớn. Do đó, với điều kiện chăn nuôi ở Việt nam như hiện nay, nếu ASF xâm nhiễm vào sẽ rất khó kiểm soát.
Địa phương vẫn bối rối công tác tiêu hủy, lo ngại việc nhập lậu heo từ Trung Quốc vào phía Nam
Ông Trần Đức Quân, đại diện Chi cục thú y tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trường hợp dịch lây lan rộng trang trại qui mô lớn, địa phương vẫn bối rối công tác tiêu hủy, các chỉ đạo vẫn chưa rõ ràng vấn đề này. “Nếu trại có 20 dãy chuồng mà xảy ra 1 hoặc 2 dãy thì chỉ tiêu hủy các dãy xuất hiện bệnh hay toàn bộ”, ông Quân giả định.
Trả lời vấn đề này, theo đại diện Cục thú y, do ASF tốc độ lây lan chậm giữa các con trong chuồng vì chỉ truyền vi rút qua đường máu nên có thể xử lí từng trường hợp nhỏ.
Tuy nhiên, tùy từng trước hợp và đặc thù mỗi địa phương. Điều cần thiết là khi dịch xảy ra dù là qui mô nhỏ nhất thì người nuôi không nên che giấu, phải thông báo cơ quan chức năng để xử lí và kiểm soát ngay phạm vi nhỏ.
“Nếu dịch bệnh phát tán rộng rất khó xử lí và tốn kém chi phí”, ông Long nói.
Trong khi đó, theo đại diên chi cục thú y tỉnh Đồng Tháp, lo ngại việc kiểm soát tốt heo nhập lậu phía Bắc nhưng khi heo Trung Quốc giá rẻ vì dịch bệnh có thể thương lái sẽ tìm cách vận chuyển heo và phụ phẩm heo từ Trung Quốc qua Thái, về Campuchia rồi xâm nhập vào phía Nam.
Trước tình hình đó, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, phải huy động tổng lực của các Bộ, ngành để ngăn chặn sự xâm nhiễm của ASF vào Việt Nam.
Các địa phương phải nắm rõ diễn biến của ASF, tuân thủ nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với ASF trên địa bàn.
Phương Nam
Theo Kinh tế & Tiêu dùng