CHỦ TỊCH MINH PHÚ NÓI VỀ ‘NHỨC NHỐI’ CỦA NGÀNH TÔM
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, tôm Việt đang mất lợi thế cạnh tranh với Ấn Độ, Thái Lan… do vấn đề chất lượng và truy xuất nguồn gốc.
Mất lợi thế cạnh tranh?
Chia sẻ tại Hội thảo “Nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi trồng của Việt Nam” diễn ra hôm nay (22/11), ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã MPC) cho rằng vấn đề nhức nhối hiện nay của ngành tôm là tăng chất sinh trong nuôi tôm.
Các thị trường xuất khẩu lớn và nhiều tiềm năng như Mỹ, Nhật châu Âu,… tăng tần suất kiểm soát dư lượng chất kháng sinh trong sản phẩm tôm. Tuy nhiên, chi phí kiểm tra kháng sinh ở Việt Nam rất cao, lên đến 3 triệu đồng và phải tiến hành trước, trong, sau thu hoạch.
Một vấn đề khác gây khó cho người nuôi tôm là màu sắc. Các thị trường nhập khẩu ưa chuộng và chú trọng đến màu sắc của tôm nhưng sản phẩm tôm nuôi từ Việt Nam sau khi luộc lên phần lớn có màu hồng nhạt và trắng nên khó đạt yêu cầu của khách hàng. “Đây là hạn chế của sản phẩm tôm nuôi của Việt Nam, làm giảm khả năng cạnh tranh của tôm Việt so với tôm từ các nước khác”, ông Quang nhận định.
Nếu chỉ nuôi tôm ở một kích cỡ, Việt Nam rất khó cạnh tranh và khó tìm kiếm được khách hàng. Ảnh: NPR.
Ngoài màu sắc, kích thước cũng là hạn chế của tôm Việt. Nông dân Việt Nam thường nuôi tôm và chỉ thu hoạch tập trung một lần khi tôm đạt kích cỡ 30 – 50 con/kg. Với cách thức nuôi này, tôm nuôi vừa chậm lớn vừa mất khả năng cạnh tranh trên thị trường vì kích thước không phù hợp với nhu cầu của thị trường. Ví dụ, châu Âu và Nhật Bản thường chuộng tôm nhỏ hay Walmart mua mạnh tôm 40 – 60 con/kg nhưng Việt Nam luôn thiếu vì người dân không nuôi.
Việc thu hoạch đồng loạt và tập trung ở cùng một kích cỡ dẫn tới tình trạng “thiếu mà thừa”. Khi đó, giá của những loại tôm thừa giảm trong khi tôm ở các kích cỡ khác lại không có để bán. Do vậy, nếu chỉ nuôi tôm ở một kích cỡ, Việt Nam rất khó cạnh tranh và khó tìm kiếm được khách hàng, ông Quang cho biết.
Liên quan tới việc truy xuất nguồn gốc, theo ông Quang, một vùng nuôi cần phải đảm bảo có đa chứng nhận vì mỗi thị trường chấp nhận một chứng nhận hữu cơ khác nhau.
Giá tôm vẫn chưa ngừng giảm
Ông Quang cho biết, thời tiết đầu năm 2018 không thuận lợi cho ngành tôm. Các nước như Mỹ, Canada có bão tuyết nên lượng tiêu thụ tôm giảm đáng kể, tồn kho ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu theo đó ở mức cao. Tồn kho của Ấn Độ, Ecuador, Indonesia cũng tăng đáng kể vì Trung Quốc siết chặt vấn đề tôm xuất khẩu đường tiểu ngạch qua biên giới.
Năm 2018, giá tôm trong nước giảm mạnh do nguồn cung trên thế giới dồi dào khi các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam đồng loạt thu hoạch. Theo tìm hiểu của Minh Phú, sản lượng tôm của Ấn Độ tăng 20%, của Ecuador tăng trên 10% và của Việt Nam cũng tăng hai con số. Trong khi đó, tồn kho ở bên Mỹ rất lớn và hiện không còn chỗ chứa. Khách hàng bên Mỹ chưa cho xuất hàng sang.
Người bán, đặc biệt là các hộ nuôi nhỏ lẻ, khi khó tìm đầu ra sẽ tiếp tục giảm giá để bán được hàng. Điều này tạo ra tâm lý đợi giá tôm giảm đến giá đáy mới mua vào ở phía khách hàng. Như mọi năm, giá tôm sẽ phục hồi vào khoảng tháng 8 – 11. Tuy nhiên, năm nay, giá tôm thế giới không lên mà chững lại ở tháng 8 – 9 và tiếp tục giảm trong tháng 10 – 11. Thậm chí, trong vài ngày gần đây, giá vẫn có xu hướng giảm. Đến nay, giá tôm đã giảm trên 20% so với năm ngoái, ông Quang cho hay.
Giá nguyên liệu giảm, người nuôi lo giá sẽ giảm thêm và sợ lỗ nên thường thu hoạch sớm. Trước đây, thường người nuôi sẽ thu hoạch tôm khi đạt kích thước 30 – 50 con/kg. Tuy nhiên, đầu năm 2018, với tâm lý bất ổn về giá nên phần lớn người nuôi đã thu hoạch đồng loạt sớm khi tôm nuôi mới đạt size 70 – 100 con/kg. Việc thu hoạch sớm và đồng loạt khiến nguồn cung tôm ở 1 kích cỡ rất lớn, trong khi năng suất chế biến ở các nhà máy hạn chế nên dư thừa nguyên liệu.
Theo Phan Vũ
Người đồng hành