VIỆT NAM ĐƯỢC GÌ TỪ THẺ VÀNG EU?
Mặc dù việc Ủy ban Châu Âu cảnh báo thẻ vàng đối với khai thác hải sản Việt Nam gây khó khăn đối với việc xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên, cũng từ việc này Việt Nam rút ra được nhiều bài học trong ngành khai thác hải sản.
Theo Tổng Cục Thủy sản, việc Ủy ban Châu Âu (EC) áp dụng biện pháp cảnh báo thẻ vàng đối với việc khai thác thủy sản Việt Nam đã làm chuyển biến nhận thức của các cấp chính quyền tỉnh, thành phố ven biển trong việc sắp xếp, tổ chức, quản lí lại công tác quy hoạch, phát triển đội ngũ tàu khai thác thủy sản.
Việt Nam được gì từ thẻ vàng EU?
Đồng thời các tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo các quy định quốc tế và các khuyến nghị của EC có tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam.
Tái cơ cấu ngành thủy sản Việt Nam vừa là yêu cầu, vừa là động lực trong giai đoạn mới nhằm phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững và có trách nhiệm trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, Tổng Cục Thủy sản cho rằng việc cảnh báo thẻ vàng của EC đồng thời tạo cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam chuyển từ kinh nghiệm đánh bắt truyền thống sang ứng dụng công nghệ 4.0 trong khai thác đánh bắt hải sản.
Ngành khai thác hải sản có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, chuyển từ quản lí bị động sang quản lí tích cực, chủ động và có trách nhiệm không chỉ với riêng mình mà còn phải có trách nhiệm với toàn cầu.
Trong đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, quản lí dữ liệu lớn, blockchain… là những yêu cầu khách quan để chủ động lựa chọn ngư trường, chủng loại cá, sử dụng phương tiện đánh bắt phù hợp, thông tin dự báo thời tiết minh bạch.
Thẻ vàng còn là cơ hội để đào tạo cho ngư dân không chỉ làm chủ biển cả với tri thức theo truyền thống văn hóa Việt Nam mà còn làm chủ biển cả với nền tảng khoa học kỹ thuật hiện đại của thế giới.
Cũng là cơ hội Việt Nam tiếp cận cách mạng 4.0 trong lĩnh vực ngư nghiệp, sử dụng công nghệ thiết bị tiên tiến nhất, hiện đại và thân thiện với môi trường nhằm kiểm soát các hoạt động của tàu cá.
H. Mĩ
Theo Kinh tế & Tiêu dùng