VIỆT NAM VẪN CHƯA TẬN DỤNG ĐƯỢC NHIỀU LỢI THẾ TỪ HIỆP ĐỊNH ATIGA
Việt Nam luôn thâm hụt thương mại với các nước trong khối ASEAN, từ 4 – 6 tỉ USD. Tỉ lệ tận dụng thuế quan ưu đãi của hiệp định ATIGA trong khu vực còn thấp, chỉ khoảng 30%.
Xuất khẩu sang ASEAN có nhiều thuận lợi
Tại Hội thảo Xúc tiền Thương mại sang Thị trường Châu Á: Tận dụng ưu đãi của các Hiệp định thương mại tự do hàng hóa xuất khẩu sang ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ”, ông Nguyễn Đương Kiên, Phó phòng Đông Nam Á, Nam Á và Hợp tác khu vực – Vụ Châu Á, Châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay năm ngoái kim ngạch Việt Nam và ASEAN khoảng 49,7 tỉ USD, tương đối cao so với các đối tác khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam vá khối ASEAN tăng gấp đôi so với 6, 7 năm trước. Năm nay dự kiến đạt khoảng 53 – 54 tỉ USD. Việt Nam xuất khẩu nhiều các hàng sắt thép, dệt may, thủy sản, cà phê sang thị trường này.
Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nhiều lợi thế từ hiệp định ATIGA
Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, năm 2017, Việt Nam thu về 21,7 tỉ USD, gấp đôi so với năm 2010 là 10,2 tỉ USD. Chỉ tính riêng 11 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN đạt 22,7 tỷ USD, tăng 14%.
Trong số các mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng mạnh, gạo đứng thứ nhất với mức tăng tới 107,7% so với cùng kì năm ngoái. Đứng thứ hai là mặt hàng sắt thép tăng 40,7%; hàng dệt may tăng 35,3%.
Trong khối ASEAN, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia là những đối tác quan trọng của Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu mặt hàng máy móc, điện gia dụng, ô tô…từ các nước thuộc khối ASEAN.
Ông Nguyễn Đương Kiên nhận định, những ưu đãi về thuế quan từ Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) càng tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khối.
Theo đó, 100% dòng thuế được xóa bỏ vào năm 2010 đối với khối ASEAN 6. Đối với các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, 90% dòng thuế cắt giảm xuống còn 0% vào năm 2015 và 7% dòng thuế được linh hoạt vào năm 2018.
Bên cạnh đó, lợi thế về mặt địa lí và những nét tương đồng về văn hóa và thị hiếu tiêu dùng cũng được xem là thế mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Thông thường khi muốn thâm nhập vào một thị trường nào đó, doanh nghiệp sẽ tốn nhiều công sức và chi phí để tìm hiểu về thị trường đó. Với lợi thế địa lí cũng như nhiều nét tương đồng về văn hóa, Việt Nam sẽ tiết kiệm nhiều chi phí nghiên cứu hơn so. Bên cạnh đó, những tiêu chuẩn về thị trường cũng tương đối phù hợp với thị trường Việt Nam”, ông Kiên nói.
Tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan thấp
Ông Kiên cho hay một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh nhưng vẫn chưa đạt được dung lượng thị trường tương xứng như thủy sản, sắt thép, săm lốp, gỗ và sản phẩm gỗ… Mặc dù vậy, điều này có nghĩa dư địa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang ASEAN rất tiềm năng.
Ông Kiên phân tích một khó khăn khác mà Việt Nam đang gặp phải đó là tỉ lệ giao dịch nội khối ASEAN vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 25%, so với mức 60% của khối EU. Điều này cho thấy, các nước có xu hướng giao dịch hàng hóa với các thị trường nằm ngoài khối.
Các thời điểm giảm thuế mạnh là năm 2015 và 2016 nhưng doanh nghiệp không tận dụng được. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thâm hụt thương mại với các nước trong khối ASEAN, từ 4 – 6 tỉ USD. Tỉ lệ tận dụng thuế quan trong khu vực còn thấp, chỉ khoảng 30%.
Để tận dụng tối đa các cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang ASEAN, ông Kiên cho rằng cần nắm bắt những đãi của các hiệp định thương mại tự do và những lợi thế khác để tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực.
Các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thị trường trong khối. Một số thị trường trong khối ASEAN có những yêu cầu riêng biệt như Malaysia, Indonesia, Brunei. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược thâm nhập vào thị trường thông qua các hệ thống các Vụ thương mại ở các nước.
Đức Quỳnh
Theo Kinh tế & Tiêu dùng